Từng ước mơ lớn lên sẽ trở thành một người đầy quyền lực và ngập tràn tình yêu thương, có thể đem tiếng nói của mình để trừng trị kẻ xấu và giúp đỡ người yếu thế trong xã hội. Từng ước rằng khi trở thành một luật sư, mình sẽ dùng tiếng nói của mình giúp đỡ những người khác. Nhưng khi đạt được điều đó, mình lại chưa bao giờ cảm thấy đủ đầy, vẫn không cảm thấy có khả năng giúp được ai, vẫn rối bời trong mọi nẻo đường của cuộc sống. Đã từng có lúc kiếm thật nhiều tiền nhưng mình luôn cảm thấy mình vô giá trị. Mình không biết sứ mệnh thật sự của mình khi đến với cuộc sống này là gì. Mình không biết nên làm điều gì để luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng mà vẫn có thu nhập trang trải cuộc sống. Đôi lúc mỏi mệt chạy theo mong muốn của người khác, mình chỉ thèm cảm giác ấm áp khi được nghe một lời cảm ơn của những người vô tình gặp trên đường, dù đó chỉ đơn giản là vì mình bấm giùm họ một nút thang máy khi họ đang mắc kẹt trong chiếc hộp đầy người. Cũng không cần tới khi mình là “ai đó”, mình mới cảm thấy có quyền lực và hạnh phúc.
Khi nhận ra điều đó, mình chỉ muốn đơn giản là chia sẻ lại những gì mình có cho người khác. Có thể là một trải nghiệm, một bài học, một công thức món ăn ngon, một cuốn sách, khóa học, hay chỉ đơn giản là một nhận thức nào đó mình nhận ra đã thay đổi cuộc sống của mình tốt hơn hôm qua. Nhưng với bản tính nhút nhát vốn có, lại từng có quá khứ bị vùi dập bởi dư luận, thị phi mỗi khi bộc lộ cái tôi ra bên ngoài. Vì vậy, mỗi lần ngồi xuống viết ra những tâm tình của mình, muôn vàn nỗi sợ lại bủa vây. Bài viết này chia sẻ lại cuộc hành trình nhận diện thông điệp từ trái tim và vượt qua nỗi sợ ấy của chính bản mình, để có được bài đăng đầu tiên trên chiếc blog này.
NGUỒN GỐC CỦA NỖI SỢ
Nhắc đến nỗi sợ, hầu hếu chúng ta đều biết nó sẽ xuất hiện khi mình bị đe dọa, khi mình thấy nguy hiểm. Nỗi sợ có thể là do bẩm sinh (như mình sợ thằn lằn mặc dù nó không hại mình) hoặc nỗi sợ hữu hình (như việc bị cướp tấn công). Nhưng thực tế, chúng ta còn có muôn vàn nỗi sợ khác hình thành theo thời gian sinh sống và trưởng thành như sợ xuất hiện trước đám đông, sợ nói tiếng Anh, sợ thất bại, sợ yêu, sợ nhiễm virus corona…). Nếu không kiểm soát được, những nỗi sợ này sẽ trở thành bệnh tâm lý, cản trở quá trình phát triển bản thân và thậm chí có thể dẫn đến nguy hiểm cả tính mạng. Từ khi biết, trạng thái sợ hãi và lo âu chỉ tương ứng với mức năng lượng 100/1000 trong khi dũng cảm và khẳng định cho mình mức năng lượng 200/1000 trong biểu đồ năng lượng của tiến sĩ David R. Hawkins, mình càng chú ý luyện tập nâng cao nhận thức về các cảm xúc tiêu cực của bản thân. Bởi lẽ, dưới góc độ phân tích về mặt năng lượng, sợ hãi là sản phẩm của trí tưởng tượng. Những chuyện quay xung quanh cảm giác sợ hãi vốn không có thật vì chưa xảy ra. Nhưng nếu để trí tưởng tượng hoạt động quá nhiều sẽ gây hao tổn rất nhiều năng lượng, thứ mà ta cần để thực hiện các hoạt động cần thiết khác để đạt được mục tiêu của mình. Kết quả là bạn sẽ dễ mắc bệnh và thu hút những điều không vui tới mình và cảm thấy cuộc sống thật khốn khổ do cơ thể luôn nằm trong mức năng lượng thấp.
Biết là như vậy mà tại sao mình cứ hay bị vướng mắc vào những nỗi sợ. Từ những vấn đề của bản thân, mình nghiệm ra rằng hết các nỗi sợ tâm lý của mình đều đến từ những thất bại và tổn thương trong quá khứ. Nỗi sợ rất tinh vi, đôi khi nó đến mà mình không nhận ra lý do từ đâu. Mà càng đi sâu vào trong thế giới nội tâm của mình, mình càng nhận ra những nội sợ của mình còn đến từ sự thiếu tự tin, đôi khi mất kết nối và thấu hiểu trái tim, không hiểu rõ giá trị của bản thân mình ở đâu mỗi khi đứng trước các ngã rẽ mới hoặc một thử thách mới. Vậy nên mình kể lại những câu chuyện của mình dưới đây, với hi vọng giúp bạn thấy rằng khi học cách nhận biết trạng thái và cảm xúc là bạn đã đi được gần 50% con đường chữa lành của mình. Đó là lúc bạn đã bắt được đúng bệnh, phần còn lại là tìm các cách để chữa trị chúng.
Chuyện là cách đây 3 năm, cuộc đời cho mình một cú tát khi mọi thứ mình cố gắng đạt được trong suốt những năm tuổi trẻ trước đó mất tất cả. Mình còn nhớ mình đã cố gắng thế nào sau 7 năm nỗ lực học tập và làm việc ở Sài Gòn để được quay về quê nhà với một công việc có thu nhập tốt. Vậy mà khi chạm tới ước mơ đó, mỗi sáng thức dậy mình cảm giác nặng nề, ngột ngạt, bức bối, cáu gắt.
Tình cờ, mình nghe được bản podcast “3 cách để lấy lại sự bình yên bên trong tâm hồn” của chị Mai Vũ. Nội dung này có rất nhiều người viết và nói rồi, mình nghe cũng đã nhàm tai. Nhưng không hiểu tại sao khi ấy, mình cảm thấy thấm tháp với bản podcast này vô cùng. Mình bắt đầu đọc và tìm hiểu về những cuốn sách và tham gia các khóa học ngắn hạn để lấy lại giá trị bản thân mình.
HÀNH TRÌNH NHẬN DIỆN TIẾNG NÓI TRÁI TIM VÀ VƯỢT QUA NHỮNG NỖI SỢ
Mình nhận ra rằng mỗi khi bắt đầu một công việc mới, dù đơn giản như ngồi xuống viết bài viết này, việc đầu tiên của mình là ngồi đối diện với nỗi sợ, tập viết chúng xuống, học cách hiểu chúng và vượt qua. Hành trình đó, thú thật rất khó chịu. Bởi khi sợ hãi, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng rất mạnh và có xu hướng chạy trốn. Nhiều lúc sắp hết thời gian mà chưa làm được gì, mình mất ăn mất ngủ, nôn ói và luôn thường trực thuốc chống ói trên bàn. Càng cố trốn chạy, càng phớt lờ để làm những công việc mà bạn cho là cần phải làm mới đủ khả năng thực hiện công việc đó, thì khi thực sự đối diện với việc cần làm, sức hủy diệt của nỗi sợ với bản thân mình càng lớn mạnh hơn. Hãy hình dung, khi bạn biết hạn nộp bài, thay vì lên kế hoạch chia nhỏ và đốc thúc bản thân hoàn thành từng ngày, bạn cứ cố làm cho nó hoàn hảo. Bạn nghĩ rằng bạn phải xem xong bài giảng này, chương sách kia thì bạn mới có đủ khả năng làm bài. Nhưng kỳ thực, tới lúc sát ngày nộp bài, bạn mới nhận ra rằng, bạn đã tiêu tốn quá nhiều thời gian vào những thứ không hề liên quan đến vấn đề mà bạn cần giải quyết. Khi thời gian đã gần hết, bạn làm vội làm vàng và kết quả sẽ chẳng bao giờ tốt cả. Vậy đó, những thứ bạn nghĩ là cần chỉ là suy nghĩ và nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng của mình. Thực tế, chỉ cần bắt tay vào viết, vấp phải vấn đề nào giải quyết ngay vấn đề đó thì bạn đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và sức lực. Chúng ta chẳng bao giờ sẵn sàng nếu không nhảy ngay vào công việc cần làm để mổ xẻ vấn đề ra cả. Nỗi sợ rất tinh vi, không dễ để chúng ta nhận ra. Đặc biệt với một người dùng đầu để lý luận, suy đoán nhiều như mình thì không dễ để mình thấy được nỗi sợ bên trong. Nhưng không vì thế mà mình đánh giá thấp nỗi sợ. Nếu không biết sợ, mình sẽ không bao giờ có động lực để nhảy ra khỏi vùng an toàn của mình, để thử và sai, để vấp ngã và trưởng thành.
BÀI HỌC CỦA MÌNH
Vậy nên, khi đang rối bời không biết bắt đầu từ đâu, khi trong đầu quá nhiều suy nghĩ dẫn đến mệt mỏi, bất an, lo lắng, sợ hãi, mình tập cho mình ngồi xuống và viết ra. Mình chia sẻ lại cho các bạn cách mình đối diện với nỗi sợ ở đây. Đây là phương pháp mình học được từ coach và trải nghiệm của mình. Mình không chắc đây có phải là phương pháp hoàn hảo hay không nhưng mình hi vọng sẽ giúp được bạn nếu bạn đang trong trạng thái này (và cả bản thân mình mỗi khi đứng trước bài thi mới). Hãy chuẩn bị một quyển sổ và một cây bút bên cạnh. Từ giờ, hãy để quyển sổ là người bạn thân của bạn trên suốt hành trình này. Cùng mình thực hiện những bí kíp này để nhận diện và vượt qua nỗi sợ nhanh hơn nhé.
- Journaling: Viết tất cả những gì đi qua đầu bạn lúc này, bao gồm tất cả những cảm xúc, cảm giác, những suy nghĩ, những hoang mang lo lắng, những mong muốn thực hiện. Để cho bản thân được đắm chìm vào trang giấy, viết tự do, không cần câu nệ ngữ pháp hay ngôn ngữ nào. (Ví dụ: cảm thấy hoang mang không biết có nên làm không. Đang có mong muốn viết blog chia sẻ kinh nghiệm pháp lý, cuộc sống, muốn luyện viết, muốn sống khác đi)
- Nếu mong muốn đó thành hiện thực, điều đó có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống của bạn? (Ví dụ: mình sẽ được kết nối với nhiều người, không còn cô độc, giúp đỡ những người đang cần, tạo một không gian để giao lưu, học hỏi và phát triển bản thân)
- Nếu không hoàn thành được mong muốn đó, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? (Ví dụ: cảm thấy xấu hổ với bản thân vì nói mà không làm được)
- Điều gì đang ngăn cản bạn thực hiện mong muốn đó? (Ví dụ: cảm thấy không đủ khả năng làm, sợ bị đánh giá, sợ bị dèm pha, lo không có thời gian, lo hết ý tưởng)
- Tại sao bạn lại có những nỗi sợ ấy? (Ví dụ: vì chưa tìm được ai làm được ở quê mình, vì trước đây bị đồng nghiệp nhận xét năng lực yếu kém, bị ba mẹ nói con là đứa thất bại, vì có bạn bè nhận xét rằng nói hay nhưng thực ra chả biết gì hay con một thì sung sướng, người độc thân thì chưa trưởng thành….).
- Dừng lại và quan sát xem cơ thể bạn đang phản ứng như thế nào? Thả lỏng những bộ phận đang căng cứng, quan sát hơi thở 5 phút. (Ví dụ: hơi thở gấp, khó thở, lồng ngực căng cứng, đầu óc mỏi mệt, hai bàn tay tê lạnh và run rẩy hay bạn nhức đầu, buồn nôn).
- Quay lại nhật ký trả lời, nếu tiếp tục để nỗi sợ cuốn đi, bạn sẽ mất những gì? (Ví dụ: Nếu mình sợ chia sẻ kinh nghiệm pháp lý, mình sẽ không bao giờ chịu ngồi xuống tổng hợp lại những gì mình đã làm. Nhiều người đang cần giúp đỡ sẽ mất đi một nguồn thông tin giá trị có thể giúp đỡ được cho mình. Mình sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc và sung sướng vì chưa làm được điều trái tim muốn làm. Những người nói mình non yếu tin rằng khẳng định của họ là đúng. Cơ thể mình sẽ mệt mỏi, năng lượng thấp và các cơ quan nội tạng sẽ phải chịu nhiều sức ép từ những phản ứng sợ hãi, mỏi mệt này).
- Bạn sẽ làm gì tiếp theo để đi qua nỗi sợ này? (Ví dụ: mình sẽ bắt tay viết ngay bài viết về nỗi sợ hãi để tạo động lực cho các bài viết tiếp theo của mình).
- Biết ơn nỗi sợ của mình vì nó đã giúp mình nhận ra những điều đã nêu trên.
Tất cả những bước này các bạn có thể không cần thực hiện đầy đủ theo trình tự. Tùy vào cảm xúc và hoàn cảnh lúc đó, bạn chọn thứ tự thích hợp cho mình. Ví dụ có thể làm bước 6 rồi vào bước 1. Dù là bước nào trước nhưng trình tự đào sâu vào tự vấn và tự tư vấn tâm lý cho mình thì nên đi theo lộ trình gợi ý như trên. Mình hi vọng hành trình nhận diện thông điệp trái tim và vượt qua nỗi sợ của mình sẽ giúp bạn tìm thấy động lực để làm điều trái tim mình muốn (dĩ nhiên phải là những điều không vi phạm pháp luật hay tiêu cực nhé).
Đặt tay lên trái tim mình, nếu bạn cảm thấy rằng điều bạn muốn làm sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn, khiến bạn sống vui và có ích hơn, hãy bắt tay vào làm ngay dù chỉ là những việc nhỏ nhất. Nếu vấp phải sự sợ hãi, thay vì trốn chạy và để nó kiểm soát mình, hãy cảm ơn chúng đã đến để giúp ta hiểu rõ bản thân mình hơn. Bạn là một người mạnh mẽ hơn bạn tưởng. Bạn đủ khả năng để làm những điều bạn yêu. Mình tin bạn sẽ vượt qua tất cả những nỗi sợ để vững bước tiến xa hơn trên con đường của mình.
Zobbe Loves You!
Cảm ơn bài viết của chị, em đã đọc không sót một chữ nào. Em nhìn thấy bản thân mình trong bài viết và đồng ý hai tay hai chân về công dụng của việc viết nhật ký^^ Em mong sẽ được đọc thêm nhiều bài viết “tả thực” chạm đến trái tim như này để tìm thấy đc sự kết nối. Chị giữ gìn sức khoẻ nhé, cả về thể chất và tinh thần! xxx
Chị khá bất ngờ vì có người đọc bài của mình. Lời nhắn của em là động lực cho chị viết tiếp. Cảm ơn Hằng nhiều nhiều nhiều lắm! <3