Trong bài viết trước, mình đã đề cập đến Hợp Đồng Tiền Hôn Nhân. Cũng bất ngờ khi một lần giới thiệu chế định này trên Facebook cá nhân của mình, rất nhiều chị em tò mò về chủ đề này. Mình vô cùng biết ơn mọi người đã “say yes” để mình có động lực viết bài này. Mình muốn giới thiệu đến mọi người một chế định dưới góc độ phân tích pháp lý để mọi người hiểu rõ hơn một công cụ được pháp luật bảo vệ cho cuộc hôn nhân sắp tới của mình. Đây cũng là bài nghiên cứu trong chương trình thạc sỹ của mình tại Úc. Có một lưu ý nho nhỏ là các quan điểm cá nhân của mình chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nào muốn tư vấn cụ thể có thể nhắn tin cho mình hoặc tìm luật sư gần nhất nha. Giờ thì hãy cùng mình tìm hiểu nghen!
Hợp đồng tiền hôn nhân là gì?
Hợp Đồng Tiền Hôn Nhân được hiểu là hợp đồng được ký kết giữa hai người có ý định kết hôn để phân chia tài sản và nợ trong trường hợp ly hôn. “Hợp Đồng Tiền Hôn Nhân” được dịch từ thuật ngữ “Prenuptial Agreement” (dưới đây viết tắt là “HĐTHN“) tồn tại trong hệ thống Thông luật (Common Law). Vì nội dung phân chia nợ và tài sản nên hợp đồng này còn được xem là một loại hợp đồng tài chính. Ngoài ra, bạn có thể bắt gặp các thuật ngữ khác như ‘marriage settlement’ hay ‘premarital agreement’ tùy thuộc vào pháp luật của nước nơi bạn đang sinh sống. Ở Việt Nam, HĐTHN không được đề cập trong quy định pháp luật. Thay vào đó, pháp luật ghi nhận loại hợp đồng có bản chất tương tự như HĐTHN dưới cụm từ “Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng” theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Như vậy, khi bạn muốn tra cứu luật để tìm hiểu chế định “hợp đồng tiền hôn nhân” ở Việt Nam, thì lưu ý cụm từ “Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng”. Để ngắn gọn, ở đây, mình sẽ gọi “Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng” là HĐTHN.
Hợp đồng tiền hôn nhân có nguồn gốc từ đâu?
Trước khi đi sâu vào HĐTHN tại Việt Nam, mình muốn các bạn dành một chút thời gian tìm về cội nguồn của chế định này để có thể hiểu sâu hơn về vai trò, những ưu và khuyết điểm của loại hợp đồng này ở những phần sau.
Cách đây ít nhất 2000 năm, người Do Thái đã xác lập một loại hợp đồng hôn nhân gọi là ‘Ketubah’. Đây là những viên gạch đầu tiên cho chế định này trong hệ thống Thông luật. HĐTHN khi đó ghi nhận quyền và nghĩa vụ tài chính của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Sau đó, chúng được đưa vào Đạo Luật Chống Lừa Đảo vào giữa thế kỷ 17 và được gọi là “marriage settlement” (cuộc dàn xếp hôn nhân). Trước năm 1857, Tòa án ở Anh cấm ly hôn. Vì vậy, người Anh ký HĐTHN để che đậy cho trường hợp các bên hoặc một trong hai bên qua đời hơn là cho ly hôn. Trong khi ở Mỹ, lịch sử ghi nhận các cặp đôi có ý định kết hôn thường yêu cầu ký HĐTHN. Tuy nhiên, 20 năm qua, số lượng yêu cầu ký HĐTHN đa phần là phụ nữ để bảo vệ tài sản và thu nhập hình thành trong tương lai của họ. Ngày nay, sự phổ biến của HĐTHN được xem là bắt nguồn từ Công ước Lahay 1978 về Luật áp dụng với chế độ tài sản vợ chồng, đã được công bố và hợp pháp hóa để áp dụng trên toàn thế giới.
Ký kết Hợp Đồng Tiền Hôn Nhân có lợi ích gì?
Trong phần đầu của luật hôn nhân các nước và ngay cả ở Việt Nam, HĐTHN được giới thiệu cho các cặp đôi bởi những lợi ích như sau:
(1) Góp phần củng cố mối quan hệ nghiêm túc.
Quyết định lập HĐHN yêu cầu cả hai bên phải ngồi lại cùng nhau để thảo luận về các tài sản và tương lai một cách cởi mở. Điều này góp phần làm giảm thiểu khả năng tan vỡ mối quan hệ.
(2) Các cặp đôi có thể kiểm soát các tài sản có liên quan đến họ tốt hơn.
HĐTHN cho phép các cặp đôi lựa chọn cách chia tài sản của họ trong trường hợp chia tay theo đúng mong muốn của mình hơn là bởi một quyết định hay bản án của Tòa án.
(3) Các cặp đôi có nhiều sự lựa chọn để sắp xếp các vấn đề tài chính hơn.
Ở Việt Nam, các cặp đôi có hai sự lựa chọn: một là chế độ tài sản theo luật định, hai là chọn chế độ tài sản theo HĐTHN.
(4) Tiết kiệm thời gian, tiền bạc và giảm căng thẳng lâu dài về sau.
HĐTHN yêu cầu bắt buộc phải công chứng. Như vậy, lập HĐTHN tốn phí để công chứng hợp đồng và các chi phí cho luật sư tư vấn (nếu cần). Cụ thể, các chi phí phải trả để công chứng một HĐTHN ở Việt Nam gồm phí công chứng là 40.000 đồng/một hợp đồng, thù lao công chứng tùy theo vùng (ví dụ ở TPHCM tối đa là 250.000 đồng, theo mức trần thù lao công chứng được UBND TP. HCM quy định tại Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 21/3/2016), và chi phí khác do sự thỏa thuận giữa cặp đôi và tổ chức hành nghề công chứng. Ngoài ra, nếu có thuê luật sư tư vấn tiền hôn nhân thì các cặp đôi sẽ trả thêm phí dịch vụ cho bản tư vấn (tùy nội dung, mức độ phức tạp và danh tiếng của luật sư). Nhưng tổng quan, mức chi phí trả cho HĐTHN thấp hơn rất nhiều so với phí tổn và thời gian cho việc giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn như đã phân tích ở bài ‘Ta sẽ không “giá như” nếu biết những điều này trước khi kết hôn’. Cuối cùng là, việc tốn năng lượng để đàm phán. Vậy nên chuẩn bị từ ban đầu cũng hạn chế phần nào những căng thẳng khi ly hôn xảy ra.
(5) HĐTHN giúp tách biệt lợi ích kinh doanh với các vấn đề cá nhân.
Đối với trường hợp một trong hai bên hoặc cả hai bên đều là những doanh nhân, có vay mượn, giao dịch bảo đảm hoặc góp vốn thành lập, vận hành một doanh nghiệp hay một tổ chức với các đối tác khác, thì việc lập một HĐTHN sẽ giúp cho đối tác của cặp đôi yên tâm hơn. Bởi lẽ các đối tác sẽ không bị lôi kéo vào các thủ tục pháp lý và các vấn đề cá nhân sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức. Điều này góp phần tránh được các tác động tiêu cực khi mối quan hệ hôn nhân của cặp đôi tan vỡ.
(6) HĐTHN là bằng chứng cho thấy mối quan hệ được thiết lập dựa trên tình yêu chứ không phải tiền bạc.
Trong một mối quan hệ không môn đăng hộ đối, hay nói cách khác có sự chênh lệch về gia thế và tài chính của hai bên, thì người có năng lực tài chính yếu hơn và khả năng kiếm tiền kém hơn thường sẽ là bên yếu thế và dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt là phụ nữ. Khi có HĐTHN, bạn sẽ đảm bảo được ‘sự công bằng’ vì không ai có thể buộc tội bạn là “kết hôn vì tiền”. Nhất là khi bước vào giai đoạn ly thân trước khi đi đến quyết định ly hôn, các cặp đôi thường có thể làm điều gì đó không công bằng với vợ hoặc chồng của mình vì mục đích muốn trả thù.
Vì vậy, soạn thảo một HĐTHN khi hai bên vẫn hạnh phúc và yêu nhau có thể cho phép bạn đàm phán các vấn đề tài chính một cách công bằng hơn. Nói cách khác, khi mối quan hệ vẫn còn hòa hợp và chưa có sự chênh lệch về quyền lực, địa vị quá nhiều thì cả hai bên đều có quyền phân định và bạn vẫn có quyền để lựa chọn phương án tốt nhất cho mình. Đó là lý do vì sao mình nói, nếu bạn muốn HĐTHN nhưng bên kia không chịu hoặc cả hai cùng ngồi xuống thỏa thuận nhưng không đạt được sự đồng thuận, thì bạn có thể quyết định có tiếp tục lựa chọn đi vào cuộc hôn nhân này hay không. Đừng để đến khi đổ vỡ, khi bị lừa dối, bị bỏ rơi hay xảy ra tranh chấp, bạn cảm thấy mình như một nạn nhân trong cuộc tình này. Đối với mình, đây là một bài kiểm tra về mức độ trưởng thành. Bởi vì, chừng nào thỏa thuận đạt được trong thoải mái và vui vẻ, là khi đó mình đã thoát ra khỏi tâm lý nạn nhân, biết tự làm chủ và chịu trách nhiệm cho bản thân mình. Chỉ khi như vậy, mình mới có thể đảm bảo được phần nào những tháng ngày an vui, hạnh phúc về sau với sự lựa chọn của mình.
HĐTHN có bất lợi, hạn chế nào không?
Mình tin rằng mọi thứ đều có tính tương đối. HĐTHN không là ngoại lệ. Nếu có nhiều lợi ích như vậy, tại sao HĐTHN vẫn không phổ biến ở Việt Nam. Khi bắt tay nghiên cứu đề tài này, mình gần như không tìm được số liệu về tỷ lệ ký HĐTHN được công bố. Mình chỉ có được thông tin từ các bạn thẩm phán mình quen, rằng thực tế xét xử hầu như không gặp HĐTHN nên tranh chấp tài sản xảy ra rất nhiều. Trong khi so sánh với Úc, nơi mà mức độ phổ biến HĐTHN rất cao. Theo khảo sát của Canstar – một tổ chức tài chính chuyên thu thập dữ liệu lớn nhất của Úc, có đến 91% cặp đôi tham gia khảo sát ở Úc biết đến HĐTHN nhưng không ký kết, 6% đồng ý lập HĐTHN và chỉ 3% là không biết về sự tồn tại của HĐTHN.
So sánh con số này với Việt Nam, rõ ràng hầu như mọi người ở Việt Nam không biết đến sự tồn tại của HĐTHN. Hoặc nếu biết thì cũng e ngại để ký kết. Mình tự hỏi vì sao gánh nặng trong việc giải quyết các tranh chấp tài sản hậu ly hôn vẫn đang đè nặng lên vai các thẩm phán, trong khi HĐTHN đã được pháp luật thừa nhận từ năm 01/01/2015 (thời điểm Luật HNGĐ 2014 có hiệu lực)? Trong quá trình khảo sát thực tế và nghiên cứu, mình đúc rút ra một số hạn chế của HĐTHN như sau:
(1) Chỉ bảo vệ một nhóm người nhất định.
Sự xuất hiện của HĐTHN là để đáp ứng nhu cầu của một số nhóm người trong xã hội như những người có tài sản và điều kiện kinh tế, những người đã từng ly hôn, người có công việc kinh doanh riêng hoặc thừa kế tài sản của gia đình. Điều này đã làm dấy lên tranh cãi làm thế nào để bảo vệ bên yếu thế hơn khi ký HĐTHN, đặc biệt là phụ nữ.
(2) Vấn đề đến từ các cặp đôi.
Trên thực tế, hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi trực tiếp đàm phán các thỏa thuận vì bị ngăn cản bởi cảm xúc cá nhân và nỗi sợ. Nếu ở Úc, luật sư gia đình là người chịu trách nhiệm lập HĐTHN thì ở Việt Nam, trách nhiệm đẩy lên các công chứng viên. Họ phải mất nhiều thời gian để khai vấn cho các bên, họ đặt các câu hỏi giả định để xác định liệu thực sự các bên muốn gì. Mục đích là để tránh trường hợp lừa dối hoặc ép buộc, thiếu tự nguyện của các bên khi ký kết HĐTHN. Mình nhận ra rằng căng thẳng giữa các bên ngày càng tăng khi cả hai nghiêm túc ngồi xuống để thỏa thuận về các vấn đề trong hợp đồng. Các căng thẳng đến từ:
- Nỗi lo lắng chi phí đắt đỏ khi ký kết, công chứng, sửa đổi và chấm dứt hợp đồng;
- Việc chia tài sản (nếu có) trong HĐTHN sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ như thế nào;
- Các cặp đôi không chắc chắn chuyện tương lai sẽ diễn ra như thế nào để thỏa thuận vào hợp đồng;
- Một số cặp đôi còn nghi ngờ về sự thiếu chân thành và chung thủy trong mối quan hệ.
(3) Vấn đề đến từ công chứng viên và luật sư
Vì HĐTHN có liên quan đến các vấn đề tài chính khi chạm tới các tài sản nên công chứng viên và luật sư lo lắng họ sẽ bị kiện và phải bồi thường nếu có sơ sót trong quá trình chứng thực (đối với công chứng viên) hoặc tư vấn thiếu chính xác (đối với luật sư). Bởi lẽ, tư vấn tài chính không được bảo hiểm trong phạm vi bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của họ.
(4) Những điểm bất cập trong quy định pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.
- Không áp dụng cho các cặp đôi sống thử hoặc hôn nhân đồng tính.
- Không quy định về điều kiện thời gian tối thiểu để sửa đổi và bổ sung HĐTNH đã có hiệu lực: Điều 47 Luật HNGĐ 2014 quy định HĐTHN được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Như vậy, các bên không được tự do sửa đổi trước khi HĐTHN có hiệu lực. Thay vào đó, khi vợ chồng muốn sửa đổi, thay thế các điều khoản, hay thậm chí chuyển đổi sang áp dụng chế độ tài sản hôn nhân theo luật định trong HĐTHN, các cặp đôi có thể yêu cầu công chứng lại bản sửa đổi, bổ sung theo Điều 49 Luật HNGĐ 2014. Điều này tạo điều kiện cho các bên dễ dàng thay đổi nội dung đã thỏa thuận, nhưng lại không đảm bảo được tính ổn định của HĐTHN, gây tốn kém thời gian và chi phí công chứng để chỉnh sửa.
Từ những phân tích mặt lợi và bất cập của chế định HĐTHN theo quy định của pháp luật nêu trên, mình hy vọng sẽ giúp các bạn có góc nhìn tổng quan về HĐTHN để có sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh và mong muốn của mình.
Trong bài tiếp theo, mình sẽ nêu rõ hơn về những đối tượng nào nên sử dụng HĐTHN và nội dung cơ bản của một HĐTHN. Stay tuned and keep following me nha!
Zobbe Loves You!