Bài viết này dành tặng cho những ai chưa kết hôn (có cả mình nữa hehe) hoặc đã từng đổ vỡ hôn nhân và muốn mở lòng thêm lần nữa. Biết đâu mai này khi ta có vô thức buông lời “giá như” thì ai đó kịp nhắc lại những dòng viết này. Rằng kết hôn là lựa chọn của mình. Hôn nhân là vận mệnh, là cái mà mình hoàn toàn có thể thay đổi được. Vậy nên, tìm hiểu về nó, dưới góc độ nào cũng là để cho mình phải dặn lòng càng cần phải học tu tâm sửa tính thì cuộc đời này mới trở nên đáng sống hơn.
Mời bạn nghe Zobbe tâm sự câu chuyện Kết Hôn và Ly Hôn dưới góc độ pháp lý và tâm lý một chút nha.
“Nhanh một giây, chậm cả đời”
Câu nói này có lẽ quá quen thuộc để cảnh tỉnh những bác tài mỗi khi ra đường. Chuyện kết hôn và ly hôn, có lẽ cũng ví von bởi câu nói này được. Bởi đăng ký kết hôn mất chưa tới một giờ nhưng ly hôn lại mất hàng tháng, thậm chí hàng năm. Vì vậy, dù là kết hôn hay ly hôn, việc nào cũng cần suy xét thận trọng, thấu đáo.
Để đăng ký kết hôn, một trong những giấy tờ quan trọng bạn cần chuẩn bị là Giấy xác nhận độc thân hoặc Bản án, Quyết định ly hôn để chứng tỏ bạn đang không trong quan hệ hôn nhân nào. Sau đó, bạn chuẩn bị hồ sơ và cùng hôn thê của mình ra UBND phường xã nơi một trong hai người cư trú để đăng ký kết hôn. Ngày nay, đăng ký kết hôn là một thủ tục hành chính đã được nhiều địa phương cải cách tinh giản, cho phép các cặp đôi có thể nộp hồ sơ qua mạng. Vì vậy, bạn có thể thấy kết hôn vô cùng đơn giản và Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện tuyệt đối để các cặp đôi đến với nhau và tạo một hành lang pháp lý để bảo vệ mối quan hệ này.
Nhưng, ngược với kết hôn, ly hôn là một câu chuyện không hề đơn giản. Ly hôn là ‘việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án’ (Điều 3.14 Luật HNGĐ 2014). Để nhận được Quyết định ly hôn, hai vợ chồng phải tự nguyện và thỏa thuận việc ly hôn, chia tài sản và trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con cái sao cho đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con. Hay còn gọi là THUẬN TÌNH LY HÔN. Khi đáp ứng những yêu cầu cơ bản và các thành phần hồ sơ cá nhân theo yêu cầu, Tòa án sẽ công nhận VIỆC LY HÔN và thủ tục hết sức đơn giản. Đây là việc chia tay hết sức văn minh và không ảnh hưởng nhiều tới con cái vì cả hai vẫn còn có tiếng nói chung trong việc chăm con.
Vậy nhưng, thực tế thuận tình ly hôn lại không phổ biến. Rất ít cặp đôi khi có mâu thuẫn chịu chấp nhận ngồi xuống nói chuyện với nhau, xác định rõ tình cảm, phân định tài sản đôi bên và đặc biệt là trách nhiệm đối với con cái. Phần lớn các yêu cầu mình tiếp nhận là ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN, mà phần nhiều là từ nữ giới. Thủ tục Đơn phương ly hôn thực chất là một VỤ KIỆN DÂN SỰ, trong đó, người khởi kiện (nguyên đơn) là người nộp đơn yêu cầu ly hôn. Một trong những yêu cầu gây tốn nhiều công sức và thời gian cho người viết đơn là yêu cầu chia tài sản. Thời gian ngắn hay dài phần lớn phụ thuộc vào việc giải quyết yêu cầu này. Nếu muốn vụ án được kết thúc nhanh, cách nhanh nhất vẫn là hai bên tự thỏa thuận chia tài sản. Nếu có Hợp đồng tiền hôn nhân (gọi chính xác là Thỏa Thuận về Chế Độ Tài Sản của Vợ Chồng) thì sẽ chia dựa trên thỏa thuận này. Nếu không có sẽ phải thu thập các chứng cứ chứng minh tài sản riêng trước thời kỳ hôn nhân, các văn bản Thỏa Thuận Chia Tài Sản Trong Thời Kỳ Hôn Nhân. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa giải quyết và mỗi bên phải chứng minh được công sức đóng góp của mình trong thời kỳ hôn nhân. Đó là lý do vì sao các vụ án ly hôn của các đại gia ở Việt Nam hay rộng ra là của các tỷ phú trên thế giới đều thu hút dư luận bởi khối tài sản lớn. Các luật sư được thuê vào cuộc từ rất sớm. Bạn có thể quan sát vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên để thấy mức độ phức tạp qua mỗi phiên tòa.
Phân tích như vậy để thấy, nếu bạn chưa kết hôn, cứ an tâm tận hưởng khoảng thời gian này mà tìm hiểu và chuẩn bị cho bản thân mình thật tốt. Nếu đang muốn ly hôn, cũng cần xem xét thật kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình. Bởi còn vô vàn những cách khác nhanh hơn để giải thoát bản thân ngoài việc ly hôn, như việc quay lại tự sửa thân tâm mình trước.
“Có tiền, ta có thể mua được một ngôi nhà nhưng không mua được một tổ ấm”
Câu nói này mình nghe cũng nhiều lần. Lần đầu, mình liền lập tức phản đối: Ủa không có tiền rồi hai người về ở đâu, không có tiền mua nhà, lấy đâu ra nuôi con, xây tổ ấm. À, nhưng mà lùi lại một chút thì phản ứng vậy là hơi vội. Vì kết hôn không tốn phí. Mà nếu có tình yêu thì hai người có thể CÙNG NHAU kiếm tiền rồi mua nhà, nuôi con. Mà gặp người tu tập hợp cạ nữa thành ra kết hôn quá lời đó chứ. Nhưng khi có đủ nhà, đủ xe, đủ điều kiện vật chất rồi thì chưa chắc gì lại CÙNG NHAU nữa. Ấy thế là lại nghĩ tới chuyện ly hôn. Mà mấy ai biết ly hôn lại vô cùng tốn kém. Vậy tính ra khi người giàu ly hôn, thì họ phải trả phí cho bài học tình yêu, hôn nhân và gia đình thậm chí còn đắt hơn cả việc mua một ngôi nhà để giải thoát cho bản thân mình. Với họ, tổ ấm thật sự là điều xa xỉ mà tiền bạc cũng không giúp họ mua lại được.
Ngày nay, lệ phí đăng ký kết hôn hiện đã được bãi bỏ. Ngoài những chi phí tốn kém dành cho việc tổ chức lễ cưới. Trong nhiều trường hợp, tổ chức lễ cưới đơn giản, tiết kiệm, các cặp đôi còn được lợi về mặt kinh tế rất nhiều.
Nhưng ngược lại, ly hôn lại gây ra tổn thất lớn về mặt tài chính. Các loại phí bạn có thể phải chi trả cho ý định ly hôn bao gồm:
- Án phí ly hôn hiện tại (theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu án phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30/12/2016) là 300.000 đồng.
- Nếu liên quan đến phân chia tài sản chung (trong trường hợp có tranh chấp tài sản) thì bạn phải chịu thêm án phí tương ứng với tỉ lệ tài sản. Cụ thể, mức tối đa hiện nay (thời điểm tháng 7/2021) là đối với tài sản có giá trị trên 4 tỷ đồng là 112 triệu đồng cộng với 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 4 tỷ.
- Nếu tài sản tranh chấp chưa được định giá, bạn phải trả thêm chi phí xem xét, định giá tài sản và thẩm định giá tài sản trong vụ án ly hôn.
- Phí thuê luật sư nếu tranh chấp tài sản nhiều và phức tạp.
- Các phí liên quan khác trước khi ra quyết định ly hôn như phí tư vấn tâm lý, xem bói, cúng bái (trong các trường hợp tuyệt vọng và không còn tìm thấy nơi bấu víu tinh thần nữa) và các chi phí phát sinh có liên quan khác (nếu có).
“Yêu thì khổ, không yêu thì… lỗ”
Vậy yêu sao cho không khổ? Yêu sao cho lời? Ngay cả khi có quyết định ly hôn thì cũng không khổ, không lỗ?
Rủi to tổn thất từ một cuộc ly hôn hoàn toàn có thể giảm thiểu ở mức tối đa, nếu:
- Tại thời điểm trước khi kết hôn, đôi bên có đầu tư thời gian và tiền bạc tìm hiểu về Hợp Đồng Tiền Hôn Nhân hoặc Thỏa Thuận Chia Tài Sản Trong Thời Kỳ Hôn Nhân. Vì đây sẽ là công cụ để bảo vệ lợi ích của đôi bên khi chấm dứt hôn nhân, nếu được thực hiện đúng cách, áp dụng đúng trường hợp và hoàn cảnh của mình. Bởi rất nhiều cặp đôi đầu tư hoành tráng vào lễ cưới vì nhiều lý do cá nhân. Nhất là ở những gia đình có điều kiện. Đến lúc hôn nhân tan vỡ, thì những cặp đôi này hầu hết cũng tổn thất nhiều hơn. Vì tranh chấp tài sản khi ly hôn rất phức tạp khi mà khối tài sản càng lớn thì việc chia tài sản càng tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
- Học cách giao tiếp tốt trong đời sống hôn nhân là một trong những chìa khóa để giữ cho cuộc hôn nhân bền lâu. Thậm chí ngay cả khi không còn chung tư tưởng, tình cảm thì việc có thể ngồi xuống để cùng nhau thỏa thuận việc ly hôn cũng sẽ giúp đôi bên tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian và tiền bạc. Với kinh nghiệm của bản thân và từ khách hàng của mình, đây có lẽ là việc làm khó nhất. Đặc biệt, khi mà tỷ lệ đơn phương ly hôn của nữ giới ngày càng cao hơn nam giới.
Phụ nữ hoàn toàn có thể vừa có sự nghiệp, vừa có hôn nhân viên mãn
Mình luôn đặt câu hỏi tại sao? Có phải vì phụ nữ ngày nay càng độc lập, càng có học thức cao, có khả năng tự lập tốt thì họ càng lạnh lùng, sắt đá và không có khả năng yêu thương. Hay vì đàn ông ngày càng mất giá trị và tệ bạc hơn? Có hay không những người chồng ‘tệ bạc’?
Cuối cùng, mình nhận ra rằng thiện ác luôn tồn tại song song trong mỗi con người. Người chúng ta gặp, cách họ đối xử với mình phản ánh đúng giá trị của mình. Nếu người đàn ông tệ bạc với mình, thì giá trị của mình cũng đang giảm đi rất nhiều, thể hiện rõ nhất qua mặt năng lượng của mình. Tại sao người ta nói phụ nữ càng thành công, càng làm việc nhiều, kiếm nhiều tiền thì càng cô độc? Nhìn lại bản thân mình, một người chỉ đam mê công việc, mình nhận ra tính nam của mình lấn lướt cả tính nữ. Mình suy nghĩ rất nhiều, mà cái gì cũng phải logic. Mình thích làm việc, thích cống hiến, thích ra quyết định, có xu hướng kiểm soát mọi thứ quanh mình, thậm chí thích cạnh tranh và luôn muốn cho đi tất cả những gì mình có vì nó làm mình vui. Vậy nên, những người đàn ông yêu mình thường rất mệt mỏi và cảm thấy rất khó chạm tới mình, khó làm mình cảm thấy vui và hài lòng. Ngược lại, người phụ nữ quá ôm đồm nhiều việc thì càng trở nên nam tính, không cần tới đàn ông, họ cũng không còn nhu cầu duy trì giao tiếp cơ bản với người đàn ông trong gia đình nữa. Nên mình cũng không lạ gì khi bị nhận xét như một thằng đàn ông :).
Vậy phụ nữ thành công thì không thể có hôn nhân hạnh phúc? Phụ nữ lấy phải người chồng ‘tệ bạc’ thì không thể làm cuộc hôn nhân đó thay đổi được nữa? Không lẽ chỉ có ly hôn mới là cách duy nhất để giải thoát? Có hay không một người phụ nữ vừa thành công, vừa ấm áp, yêu thương vừa có thể xây dựng một tình yêu đẹp, một cuộc hôn nhân hạnh phúc?
Rõ ràng là có. Một Michelle Obama tự tin và cuốn hút, một Hồ Ngọc Hà thành công và viên mãn, một Kamala Harris cương nghị trên chính trường nhưng vẫn nồng nàn với hôn thê của mình. Điều gì tạo nên sự khác biệt của họ? Mãi sau này khi đi học ở Úc, mình mới lần đầu tiếp xúc với cái gọi là tính nam (masculine energy) và tính nữ (feminie energy). Và khi kết nối lại với tính nữ của mình, mình mới thấy sự thay đổi thật sự ở bản thân, ít nhất là về mặt năng lượng và giao tiếp cơ bản. Mình hiểu tại sao có rất ít phụ nữ đạt được cả thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống. Vì họ quá thông minh, quá khác biệt, họ hiểu cách vận dụng tính nam – tính nữ là như thế nào, có thể bằng bản năng nhưng cũng có thể là từ trí thông minh và sự khôn ngoan ở họ. Với người bình thường như chúng mình, việc làm đó không hề đơn giản. Mình ao ước rằng, giá như chị em phụ nữ mình biết nhiều hơn về sứ mệnh của mình, biết tận dụng các công cụ như việc học kết nối tính nữ, biết cách sử dụng và cân bằng tính nam – tính nữ trong công việc, trong điều chỉnh các mối quan hệ xung quanh thì có lẽ sẽ không còn nhiều người đau khổ vì không có tình yêu hay hôn nhân trái ý muốn nữa. Kể cả việc lựa chọn sống độc thân, bạn vẫn luôn vui vẻ và có sự cuốn hút với người khác giới. Vì vậy, ngoài việc đầu tư nâng cao giá trị bản thân qua làm đẹp hình thức, mình thực lòng khuyên chị em nếu có phải đầu tư điều gì trước khi kết hôn hay ra quyết định ly hôn, hãy đầu tư thời gian để học cách chạm vào nội tâm của mình, nhận diện và sửa mình, trước khi trách móc hay đổ tội cho bất kỳ sự bất hạnh nào đến với mình.
Hôn nhân không phải là tình yêu Vô Điều Kiện
Hôn nhân rõ ràng là một cuộc đàm phán giữa hai bên để đạt được một thỏa thuận chung là cùng nhau lớn lên, cùng nhau già đi, cùng nhau xây dựng tổ ấm, cùng nhau làm việc abc, xyz trong cuộc sống này. Nhưng không ai chắc, thỏa thuận này sẽ mãi mãi không chấm dứt. Có ngày bắt đầu, chắc chắn sẽ có ngày kết thúc. Một cách tự nhiên là hai bên cùng thỏa thuận chấm dứt, một trong hai bên hoặc cả hai cùng chết hoặc mất tích. Vậy khi một bên đơn phương chấm dứt, chắc chắn bên còn lại đã vi phạm điều kiện của bên kia. Chỉ là, khi kết hôn, ta có ngồi xuống và nói rõ các điều kiện cho nhau nghe hay không.
Khi tiếp xúc các vụ việc ly hôn, mình nhận ra là phần lớn phụ nữ bước vào tình yêu đều không đặt ra ranh giới cho tình yêu của mình. Hoặc nếu có, trực giác mách bảo bên kia không nghe nhưng vì yêu nên mình bỏ qua. Miễn được nuông chiều, được thấy theo đuổi, hay chỉ đơn giản là được có một tấm chồng là sẵn sàng hi sinh tất cả. Đến khi người chồng làm ăn thất bại, hay trở nên bất lực trong cuộc sống và có hành vi bạo lực với họ, đa phần chị em cam chịu. Ban đầu là vì con. Vì yêu con, họ sẵn sàng lao ra kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để đảm đương kinh tế cho gia đình, thậm chí có khi phải nhẫn nhịn khi bị đánh để được sống yên qua ngày. Dần dần, họ mất đi trực giác, sự nhạy cảm, sự nuôi dưỡng và mất khả năng đón nhận sự chu cấp từ người đàn ông. Hay nói cách khác, họ dần mất đi tính nữ, ngôn ngữ của họ cũng ngày càng trở nên cứng rắn, lạnh nhạt và thậm chí xúc phạm, coi thường đối phương.
Vậy không lẽ trong giai đoạn tìm hiểu phải đặt ra vô số điều kiện? Mà bản thân mình mỗi một giai đoạn lại có những nhu cầu khác nhau, các điều kiện này hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Vậy chọn điều kiện như thế nào để làm ranh giới cho tình yêu của mình? Cá nhân mình vẫn đang tìm câu trả lời cho những câu hỏi này. Sẽ không là chính xác nếu nói chúng ta phải đặt điều kiện theo tiêu chí này hay tiêu chí kia. Không bao giờ có một câu trả lời chuẩn xác. Với mình lúc này là quan sát và học cách lắng nghe con tim mình. Song có một điều mình được dạy rằng, vợ/chồng sẽ không còn là oan gia, là nghiệp, là nợ của nhau khi mình luôn ý thức tu sửa bản thân, biết sám hối và học cách yêu thương mình mỗi ngày. Điều cơ bản nhất ai cũng biết, nhưng thực hành thì không phải dễ. Viết đến đây, mình nhớ ra một nguyên lý đặc biệt của năng lượng là năng lượng có thể lây lan. Tức là khi mình bình an, hạnh phúc, thì người khác cũng cảm thấy bình an và hạnh phúc lây. Vậy nếu cả hai cùng hạnh phúc và bình an thì có phải bước vào cuộc hôn nhân sẽ dễ chịu hơn không. Dựa trên niềm tin hạnh phúc lây lan ấy, nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyên gia tư vấn tâm lý tình yêu, hôn nhân và gia đình cho báo Hoa Học Trò, Sinh Viên Việt Nam và các chương trình của VTV đã đúc kết các câu chuyện ông nhận được trong sự nghiệp tư vấn của mình và biên tập thành cuốn “Hướng dẫn sử dụng hôn nhân”. Đây là một cuốn sách khá thú vị với mình. Mình biến nó thành điều kiện đầu tiên cho đối phương của mình. Nếu bạn đang có ai đó đi cùng với bạn, hãy cùng rủ người đồng hành của mình đọc cuốn sách này. Quyển sách nghe có vẻ sến sủa nhưng mình tin nó có thể đem hai trái tim tới gần nhau hơn nếu có thể đọc cùng nhau.
Hôn nhân không phải là Mồ Chôn của tình yêu
Nếu bạn nghĩ hôn nhân là mồ chôn của tình yêu, bạn sẽ thấy đó thật sự là một nấm mồ của bạn. Vì suy nghĩ sẽ kiến tạo nên cuộc sống. Mình hiểu hôn nhân vốn không như hẹn hò. Đó là lúc chúng ta chia sẻ mọi ngóc ngách và thói quen sinh hoạt với nhau, là khi mọi tật xấu của đối phương lộ diện. Đó cũng là khi thực hiện mọi quyết định từ con cái, tiền bạc, gia đình, công việc, kinh doanh, chúng ta làm CÙNG NHAU chứ không phải việc anh hay em, ai đúng hơn ai, ai cao hơn ai. Hôn nhân là lúc mình học cách sống bao dung hơn không chỉ với người sống chung mà còn cả một gia đình lớn.
Nghe thật là triết lý suông, thật là sến súa ngôn tình. Vâng, nhưng đó là thông điệp mình học được từ sau đại dịch này. Sự thật là từ sau khi virus corona bắt đầu tấn công cả thế giới, số lượng chị em nhờ mình tư vấn ly hôn tăng đột biến, với muôn vàn lý do. Từ việc làm ăn thất bại, lừa dối, ngoại tình, không sinh được con như mong muốn đến quan hệ vợ chồng không hòa hợp, chuyện chăn gối không cảm thấy hấp dẫn, thú vị như hồi mới yêu nữa. Trên thế giới và ở cả Việt Nam, các cặp đôi tỷ phú từng là thần tượng tình yêu của công chúng như Bill Gates và Melinda Gates, Jeff Bezos và MacKenzie Scott hay Elon Musk và Talulah Riley, vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên lần lượt đâm đơn ra Tòa. Mình tiếp xúc nhiều và nghe bình luận nhiều, mình sợ không? Sợ chứ vì mình chưa kết hôn mà. Kết hôn như đi đánh bạc thế này, chẳng may gặp người chồng tệ không hạnh phúc rồi lại phải ly hôn, chi cho mệt mỏi vậy. Nhưng dù kết cục của các cuộc hôn nhân kia thế nào, mình thấy rằng họ đều đã từng có những giai đoạn vô cùng hạnh phúc. Mà cuộc đời này, chỉ vài phút giây tận hưởng vị ngọt của hạnh phúc thôi cũng đã là đáng quý lắm rồi. Có những người còn chưa kịp tận hưởng hương vị hạnh phúc đã phải từ biệt cõi đời này. Vậy nên, thay vì chăm chăm nghe những điều khó chịu khi bước vào hôn nhân, hãy học cách nhìn sâu lại bản thân mình, học cách sám hối những lỗi lầm đã qua, học cách tăng nội lực bản thân và cho phép bản thân tiếp nhận những điều đẹp đẽ của tình yêu. Nếu đã từng yêu, từng có những phút giây hạnh phúc, thì làm sao gọi là mồ chôn của tình yêu nếu không phải vì mình tự đào mộ chôn chính mình?
*********
Mình hiểu, đọc hết bài này, sẽ có nhiều bạn sợ kết hôn như mình. Mình cũng hiểu, có rất nhiều người chọn đóng cửa trái tim sau một cuộc hôn nhân tan vỡ. Nhưng nếu có một người xứng đáng với bạn, một người mà bạn muốn lấy, liệu bạn có can đảm cho phép bản thân mình một lần bước chân vào hôn nhân nữa hay không? Câu trả lời là nằm ở bạn. Dù có hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận một sự thật rằng cuộc hôn nhân hạnh phúc hay không là nằm trong tay mình, do mình chọn lựa và lèo lái nó. Sau một lần vấp ngã trong tình yêu, hay kể là chưa bước vào, mình nhận ra cách duy nhất để thay đổi cuộc sống tương lai là bước ra khỏi tư tưởng nạn nhân. Vũ trụ đã gửi cho mình một bài thi mà ở đó, giải được đáp án sẽ cho ta một cơ hội để sống khác đi. Miễn là tụi mình đừng ai bỏ cuộc thì tình yêu đẹp sẽ đến với mỗi chúng ta, cả bạn và mình. Mình cầu mong cho tất cả những ai đọc bài viết này sẽ luôn sáng trí, tỉnh thức và sớm tìm thấy con đường bình an, hạnh phúc của riêng mình.
Zobbe Loves You!
Cảm ơn bạn đã đem lại 1 chút năng lượng cho mình
Mình rất vui vì nhận được chia sẻ của bạn 🙂